“Ruộng đồng mặc sức chim bay Biển hồ lênh láng mặc bầy cá đua”
Ra giêng là thời điểm nhiều cánh đồng ở khắp ĐBSCL vào mùa gặt. Màu vàng của lúa chín trải dài từ những tỉnh tả ngạn sông Cửu Long như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp cho đến Hậu Giang, Bạc Liêu và tận đất mũi Cà Mau.
Vào cuối mùa hạn này, nước trên các ruộng lúa đã rút xuống các con mương xung quanh, nhường lại nền đất khá khô cứng đủ để những chiếc máy gặt đập liên hợp "ra tay".
Chính trong những con mương này là "đất dụng võ" cho các tay nhấp cá lóc múa may cây cần câu của mình. Nhưng không phải tay câu nào cũng lủng lẳng chiến lợi phẩm vì từ lâu loài cá đồng này đã không còn nhiều trên đồng ruộng để thỏa mãn cái thú câu ấy nữa. Tuy nhiên, ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời của vùng đất Cà Mau thì cá lóc lại đặc biệt phong phú.
Một tay câu lành nghề có thể kiếm 4, 5 con cá lóc chỉ trong 2 tiếng đồng hồ ôm cần cùng vài ba con nhái bén làm mồi. Nói lành nghề vì cá lóc là loài cá rất khôn ngoan, thấy mồi câu không bao giờ đớp liền như các loài cá khác mà nó "quan sát, đánh giá" con mồi rồi mới ra quyết định.
Vì vậy, để câu được cá lóc, người câu phải nhấp nhấp con nhái mồi sao cho thật giống với dáng bơi của nó khi còn sống, mặc dù chàng nhái đã chết từ khi bị móc vào lưỡi câu làm mồi. Có như thế thì mới mong dụ được cá lóc đồng ra khỏi hang ổ của nó, và một khi đã bị quyến rũ rồi thì loài này ăn mồi rất bạo, luôn luôn nuốt chửng chứ không hề rỉa.
Và thật may mắn vì bản thân tác giả đã có dịp chứng kiến và ghi lại những hình ảnh sống động của việc nhấp dính một con cá lóc. Tay câu thậm chí còn ra hiệu khi cá sắp cắn câu, để tôi chuẩn bị "chộp" cảnh cá quậy trắng nước này.
Cái ngon của cá lóc đồng chỉ được cảm nhận một cách trọn vẹn khi cá được nướng trong rơm khô và bày trên tàu lá chuối. Cá lóc được xiên từ răng đến tận đuôi bằng một cành tre nhọn. Tre xiên cá phải là tre tươi thì nước trong thân tre mới giữ nó không cháy thành than khi bị đốt giữa ngọn lửa hừng hực của rơm khô. Thêm vào đó, đầu cá lóc phải được cắm xuống đất vì phần đầu và bụng cá là khó chín nhất. Ngoài ra, phải ủ cá trong than rơm sau khi lửa đã tắt một lúc lâu thì bộ lòng cá mới đạt độ chín cần thiết.
Sau khi rơm tàn, cá lóc được khéo léo lấy ra và đặt vào một tàu lá chuối tươi. Lúc này người nướng cá phải ra tay cạo vẩy khét thật nhanh và thật đều thì mới mong ăn được bộ da cá lóc. Nếu để mất cái nóng ngoài da thì vẩy khét sẽ mất độ giòn và dính chặt vào da cá, khiến việc cạo hết phần khét là không thể. Mấy tay "hai lúa" phong lưu này còn chỉ cho tôi biết một "tuyệt chiêu" khác: cạo khét bằng rơm khô. Một bó rơm khô có đủ độ nhám nhưng mềm mại vừa phải để không làm tróc da cá. Tới đây thì chỉ cần thêm một tí muối ớt làm gia vị là mọi thứ đã sẵn sàng cho một bữa tiệc thấm đẫm chất quê Nam bộ.
Bước cuối cùng là chén thôi !!
Đặc sản miền tây thu hút khách du lịch qua mọi ánh nhìn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét