Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013


" Con cua tám cẳng hai càng
   Một mai, hai mắt rõ ràng con cua "


      Ngày xưa, ở phương Nam thì cua đồng được xem là món ăn của những đứa con nhà nghèo. Trong thời hiện đại ngày nay, thì bên cạnh một số món ăn cao lương mỹ vị đắt tiền thì những món ăn làm từ cua đồng đã trở thành những món ăn hấp dẫn đối với những người con Việt. Ăn để thưởng thức ăn để tìm về cội về nguồn. 

                                  
       Cua đồng thuộc lớp giáp xác, bộ mười chân. Cua đồng thường gặp ở nơi nước ngọt, ao, hồ, ruộng, sông, suối. Cua ở hang, hang cua là những ổ tròn sâu đến 3 - 4 tất, nằm theo chân bờ ruộng.  Cua đồng là một món ăn dân dã, bình dị của người Việt Nam và là những món ăn quen thuộc vào những tháng cuối hè đầu thu thời điểm cua béo nhất. Món ăn từ cua thông dụng nhất có lẽ là bún riêu cua, cua đồng luộc chấm muối tiêu chanh kèm rau râm.


                                                
          Những ai đã từng bị mê hoặc bởi những món ăn làm từ cua đồng như là : bún riêu cua, cua nấu canh tạp tàng hay là bánh canh cua thì nay họ sẽ còn bị cám dỗ bởi món " lẩu cua đồng " của miền đất phương nam. Xứ sở của những cánh đồng bao la bát ngát, của những dòng sông trĩu nặng là môi trường thuận lợi để lũ cua sinh sôi và phát triển.


        Món " lẩu cua đồng " có lẽ món ăn nổi bật giữa các món khác vì nó là một bản hòa tấu của các sản vật từ đồng ruộng phương nam. Nó là một món ăn đậm chất đồng quê với những nguyên liệu quen thuộc nhưng lại rất lạ miệng. Ở miền Nam với thời tiết ấm nóng quanh thì " lẩu cua đồng " là một món ăn rất lý tưởng.
Cua đồng phải còn sống, rửa sạch bóc vỏ yếm, gỡ mai nạo lấy gạch cua trong mai, còn lại đưa vào cối dã nát hoặc xay thật nhuyễn. Sau đó hòa cua xay với nước, khuấy lên rồi để thật lắng. Chắt lấy nước cua rồi bỏ xác.
      Nấu nước cua này với một ít muối trên lửa nhỏ cho đến khi chín. Riêu cua sẽ kết tủa đóng thành từng miếng. Để làm lẩu cua đồng phải vớt những mảng cua ấy để riêng.
       Lúc ấy, nước luộc thịt cua đã ngọt lừ đến mức không cần nêm nếm thêm bột ngọt hay đường gì cả chỉ cần cho thêm một ít muối hoặc nước mắm thì coi như nồi nước lẩu đã đạt hương vị tinh túy của thịt cua đồng rồi, phi chút củ hành tím lát mỏng cho vào nồi nước lẩu để tăng thêm mùi hương hấp dẫn và phá đi mùi tanh của các loại thủy hải sản tươi sống ăn kèm như mực, thịt cá phi lê, gan heo, tôm đất. Nước lẩu thơm ngọt đậm đà hương vị đồng quê cùng với rổ rau xanh mồng tơi, bồ ngót, rau má và mướp hương ăn tới đâu lạc dần vào lẩu tới đó đủ thấy khoái vị.
                                                                                                                             
     Được chăm chút từ cái tâm và đôi tay khéo léo của người phụ nữ Nam Bộ " lẩu cua đồng " với vị ngọt của thịt cua, vị ngon béo của gạch cua kết hợp với một số rau đồng nội nữa thì món cua đồng đã trở thành lời mời vô thanh với những thực khách sành ẩm thực. Ăn " lẩu cua đồng " để ta nhớ về quê hương dịu ngọt mà dân dã và dù có đi xa nửa vòng trái đất đi chăng nữa thì vẫn muốn tìm về mà thưởng thức.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét