Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Nếu vùng đất Đồng Tháp xưa nổi tiếng hoang vu, thì giờ đây dễ hút hồn du khách bởi thiên nhiên lạ mắt và địa danh có một không hai.

Từ đầu năm đến nay, các điểm du lịch ở tỉnh Đồng Tháp đã đón trên 730.000 lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó có trên 19.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch của tỉnh đạt 81 tỷ đồng, tăng 18,28% so với cùng kỳ năm trước.


Hái sen ở Đồng Tháp Mười.
Vùng đất Đồng Tháp Mười ngày xưa nổi tiếng hoang vu với lắm bưng, trần, đìa, bàu, với bạt ngàn đưng, lác, năng, sen, súng và lau, sậy,..; là giang sơn của các loài động vật hoang dại như: rắn, rùa, chuột ếch, chim muông, cua, cá sấu.

Giờ đây về thăm Đồng Tháp du khách như trở về với cội nguồn thiên nhiên bởi bầu không khí trong lành, mát mẻ của những cánh đồng lúa phì nhiêu, đi trên những chiếc xuồng ba lá trên sông rạch để đến với khu di tích cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, đài liệt sĩ, khu di tích Gò Tháp, di tích kiến trúc cổ Kiến An Cung, vườn chim thiên nhiên lạ mắt ở Tháp Mười, vườn sếu quý hiếm ở Tam Nông, khu căn cứ Xẻo Quít, làng hoa kiểng Tân Qui Đông, các vườn cây ăn trái Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Thạnh Hưng...

Khu Di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với diện tích 3,6 ha nằm cạnh ngay trong nội ô của TP.Cao Lãnh.Khu di tích là công trình ghi ơn cụ Nguyễn Sinh Sắc-nguời đã sinh thành ra vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam -chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình được xây dựng được khánh thành ngày 13/12/1977.

Toàn bộ khu di tích chia làm ba khu vực : Khu mộ cụ Phó bảng, nhà sàn Bác Hồ và ao sen. Bên trong khu mộ có nhà trưng bày về cuộc đời của Cụ Nguyễn Sinh Sắc. Tất cả những công trình nơi đây không những được xây dựng rất kỳ công mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Vòm mộ hướng về phía Đông, là một cánh hoa sen cách điệu, có dáng dấp hình bàn tay xoè úp xuống, trên là 9 con rồng cách điệu tượng trưng cho hình ảnh nhân dân đồng bằng sông Cửu Long chở che.

Ngôi mộ cụ Phó bảng được ốp đá hoa cương, núm mộ hình chữ nhật màu xám tro. Phía trước vòm mộ là hồ sen hình ngôi sao năm cánh, giữa hồ sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao 6,5 m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch của cụ Nguyễn Sinh Sắc và cũng là biểu tượng cho quê hương Đồng Tháp yêu quý vươn thẳng giữa lòng Tổ quốc Việt Nam.
Tổ ong trong vườn quốc gia tràm chim.
Bênh cạnh Khu mộ Cụ là Nhà Sàn Bác Hồ được thiết kế đúng theo tỷ lệ với ngôi nhà sàn Bác ở Hà Nội, để cho những người dân ở miền Nam không có điều kiện ra miền Bắc có thể biết được ngôi nhà của Bác.Khung cảnh nơi đây mang lại cho bạn một cảm giác thư thái nhẹ nhõm với hàng trăm loại cây trái, hoa, cây cảnh quý hiếm được bà con địa phương và các tỉnh bạn hiến tặng.
Hằng năm cứ vào ngày 27/10 âm lịch, bà con xa gần ở các nơi hội tụ về đây tồ chức lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong không khí trang nghiêm, trọng thể, đông vui như một ngày hội lớn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Cùng với đó ở Đồng Tháp, các điểm du lịch sinh thái ở Đồng Tháp đang ngày càng hấp dẫn khách tham quan do môi trường sinh thái tự nhiên trong lành với rất nhiều loài động vật quý hiếm.

Trong đó phải kể đến Vườn Quốc gia Tràm Chim - Tam Nông đã trở thành khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế thứ tư của Việt Nam và là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới.

Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp cùng với hệ sinh thái vô cùng phong phú khoảng 130 loài thực vật khác nhau,đồng thời nơi này cũng chính là nơi cư trú của hàng trăm loài động vật có xương sống, hàng chục loài cá và hơn 198 loài chim nước, chiếm khoảng 1/4 số loài chim có ở Việt Nam. Trong số đó có nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới như ngan cánh trắng, te vàng, bồ nông, già đãy Java và đặc biệt là sếu cổ trụi, hay còn gọi là sếu đầu đỏ. Chúng được xếp vào sách đỏ thế giới cần được bảo vệ vì đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới. Hằng năm từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5 là lúc đàn sếu bay về Tràm Chim cư trú. Đến đây vào thời gian này, bạn sẽ chứng kiến từng đàn sếu đầu đỏ bay về hòa cùng các loài chim khác để kiếm ăn.
Đặc sản trái cây ở vùng sông nước Cửu Long.

Được xem là lá phổi của Đồng Tháp Mười, rừng tràm Gáo Giồng có diện tích khoảng 1.700 ha, trong đó có 250 ha rừng nguyên sinh, với những bưng trấp, lung, bàu đầy sen, súng, lau sậy,... sinh sống và làm tổ quanh năm như : trích mồng đỏ, cồng cộc, le le, diệc, vịt trời… ; nhiều hơn hết vẫn là đàn cò trắng hàng chục nghìn con khiến rừng tràm này được xem là vườn cò lớn nhất hiện nay ở vùng Đồng Tháp Mười.

Vào mùa nước nổi, trên các cánh đồng,hàng nghìn cánh cò trắng bay lượn trên nền tràm xanh tươi tạo thành một khung cảnh ngoạn mục. Còn các lung sen lại là nơi quy tụ hàng nghìn con trích mồng đỏ về đây thư thả nhổ những cọng năn tươi non, thỉnh thoảng cất tiếng gáy kèm theo những vũ điệu tuyệt đẹp.Đến với Gáo Giồng, không những nghe chim hót trên cây, bạn còn được nghe tiếng cá quẫy đuôi mời chào dưới nước.

Thuỷ sản ở đây vô cùng phong phú với nhiều loài cá như cá lóc, cá bông, cá sặc, cá chốt, cá lăng, cá bống, cá nhái… ; đặc biệt là loài cá linh từ Biển Hồ Campuchia vào mỗi mùa nước lên lại lũ lượt kéo về từng đàn đông vui…
Xuồng ba lá hấp dẫn du khách ở Đồng Tháp.

Gáo Giồng đẹp nhất vào mùa nước nổi. Lúc ấy, nước từ sông Mêkông kéo về phủ ngập cánh đồng, biến Gáo Giồng thành một ốc đảo giữa trời nước mênh mông, rực lên màu vàng hoa điên điển, màu tím hoa súng pha lẫn sắc hồng của những cánh sen, màu xanh mướt của rừng tràm.

Đến đây, du khách có thể thưởng thức những món ăn đậm chất Nam Bộ, nhâm nhi rượu đặc sản từ rượu nếp pha với mật ong tràm, ngả mình trên chiếc võng đong đưa, đón những luồng gió mát rượi, bạn sẽ cảm nhận hết sự thanh bình, yên ả nhưng cũng không kém phần độc đáo của khu du lịch sinh thái Gáo Giồng. Theo Ban Quản lý Rừng tràm Gáo Giồng, vườn cò ở Gáo Giồng hiện có số lượng cò trắng lớn nhất ở vùng Đồng Tháp Mười, đặc biệt năm nay có hàng nghìn con cò ốc về sống làm tổ sinh sản - đông nhất từ trước đến nay.
Hệ sinh thái ở Đồng Tháp thiên đường của chim muông cỏ cây...

Cò ốc thuộc họ hạc, tên khoa học là Anastomus oscitans, có trọng lượng từ 1-1,2kg/con, loài này nằm trong sách đỏ Việt Nam vì có nguy cơ tuyệt chủng.Hiện, Ban quản lý đang tăng cường bảo vệ loài chim quý này để phục vụ khách tham quan.

Để phát huy tiềm năng du lịch, tỉnh Đồng Tháp triển khai kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2015, với mục tiêu mỗi năm đón 2,1 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó có 47.000 lượt khách quốc tế, 553.000 lượt khách nội địa, 1,5 triệu lượt khách hành hương, doanh thu du lịch đạt 360 tỷ đồng.
(Theo Đất Việt)

Những cảnh đẹp kỳ thú ở chốn Đồng tháp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét