Hàng năm, cứ đến mùa nước nổi tháng 6- 11 ÂL là đồng ruộng ở khu vực ĐBSCL lại ngập tràn. Thời gian này cũng là mùa nông nhàn của người dân vì mùa vụ hầu như đã thu hoạch hết. Bà con thường nuôi trồng các loại cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản để tăng thu nhập.
Ấu là một trong những cây mà nhiều người dân chọn để trồng nhằm tăng thu nhập trong mùa lũ. Đơn giản ấu là loài cây thủy sinh thường sống ở những nơi ngập nước. Cây ấu có thể sống được quanh năm, nhưng chúng sinh trưởng tốt và cho năng suất cao vào mùa mưa. Mùa nước nổi ở ĐBSCL rất thuận lợi để trồng vụ ấu. Thực tế mấy năm qua, cây ấu đã giúp cho nhiều gia đình nông dân cải thiện cuộc sống của mình trong suốt mùa nước nổi.
Công việc trồng ấu bắt đầu từ giữa tháng 6 âm lịch đến cuối tháng 11 âm lịch – đúng vào lúc người nông dân đã rảnh rang việc đồng áng. Sau khi thu hoạch lúa hè thu xong, sử dụng máy xới trục đất rồi khai nước vào ruộng để cấy ấu giống. Cho rải củ ấu già xuống ươm (như làm mạ). Vài hôm ấu nứt ra lên mộng, thả nước vào độ 10 – 15cm, thân ấu mọc lên trên nước như cọng bông súng. Nhổ củ ấu đem giâm trên đất ruộng, khi ấu nở thành 5 – 7 bụi thì bứng lên trồng cả ruộng. Mỗi bụi cách nhau khoảng 1m, một công trồng từ 750-800 bụi ấu.
Lúc đầu, khi mới cấy ấu cần giữ mặt nước cao từ 20-30 cm cho cây mau bén đất. Khi ấu vừa lớn, nước lũ tràn về mực nước cao bao nhiêu, dây ấu phát triển lên cao bấy nhiêu. Năm nào lũ lớn, nước rút chậm thời gian thu hoạch ấu kéo dài thì thu nhập càng cao. Trồng ấu chỉ cần bón thúc phân một lần lúc ấu còn nhỏ, lượng phân bón là 100 kg/ha lân Long Thành (bón lót), 50 kg DAP 50 kg urea/ha (bón thúc lúc 10 ngày sau trồng). Khi nước lũ tràn về thì không cần bón phân nữa vì lượng phù sa đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Mời các bạn cùng xem video Kí Ức Miền Tây kì 143 với Mùa Ấu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét